Tín chỉ carbon là một công cụ thị trường cho phép các cá nhân, tổ chức và chính phủ bù đắp lượng khí thải carbon của mình bằng cách hỗ trợ các dự án giảm phát thải carbon. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu thế nào là tín chỉ carbon, cách thức chúng hoạt động và tiềm năng của chúng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tín chỉ carbon là gì?
Đây là một loại chứng chỉ có thể được sử dụng trong giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một lượng cụ thể khí CO2 hoặc khí nhà kính khác, được quy đổi sang CO2. Một tín chỉ tương đương với một tấn khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Doanh nghiệp có thể mua và bán tín chỉ để bù đắp cho lượng khí thải nhà kính của họ thải ra.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường carbon đang nổi lên như một phương pháp hiệu quả để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Nơi đây được ví như sàn giao dịch độc đáo, nơi các “hàng hóa” được mua bán chính là lượng khí nhà kính đã được cắt giảm hoặc hấp thu.
Hình 1: Tín chỉ carbon là công cụ đo lường quy đổi lượng khí thải CO2 hoặc các khí nhà kính khác thành đơn vị tương đương CO2
>>>Xem thêm: Dịch vụ kiểm kê khí nhà kính
Cơ chế hoạt động của thị trường tín chỉ Carbon
Hoạt động mua bán tín chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm cả các tổ chức tài chính và doanh nghiệp. Các bên tham gia có thể mua tín chỉ để bù đắp cho lượng khí thải nhà kính của họ, hoặc bán tín chỉ nếu họ đã thực hiện cắt giảm vượt mức quy định.
Ví dụ: Công ty X được phép phát thải 5 tấn khí thải nhà kính nhưng công ty này chỉ phát thải 4 tấn khí thải nhà kính, như vậy công ty còn dư 1 tấn khí thải tương đương với 1 tín chỉ carbon. Công ty Y được phép phát thải 5 tấn khí thải nhà kính nhưng công ty này có khối lượng khí thải nhà kính thải ra là 6 tấn. Vậy công ty Y có thể mua lại 1 tín chỉ từ công ty X để đủ 6 tín chỉ tương đương với 6 tấn khí thải cần phát thải ra môi trường.
Hình 2: Cách thị trường tín chỉ hoạt động
Các loại thị trường tín chỉ Carbon
Có hai loại thị trường chính cho tín chỉ carbon:
Thị trường carbon bắt buộc
Thị trường Carbon bắt buộc hay còn được gọi là cap-and-trade, được chính phủ quy định hạn ngạch phát thải khí thải nhà kính cho các doanh nghiệp. Trên thị trường này, các doanh nghiệp có thể mua và bán tín chỉ carbon để thỏa mãn các yêu cầu về phát thải.
Chính phủ cũng có thể áp dụng các biện pháp như thuế carbon để khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải. Việc giảm phát thải phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt của quốc gia hoặc khu vực. Ví dụ cho loại thị trường này là hệ thống trao đổi phát thải khí nhà kính của Liên minh Châu Âu (EU ETS).
Thị trường carbon tự nguyện
Thị trường carbon tự nguyện không có sự can thiệp quy định từ chính phủ. Trong thị trường này, các tổ chức phi chính phủ hoặc doanh nghiệp tự tạo ra và giao dịch tín chỉ carbon. Tham gia vào thị trường tự nguyện thường là để thể hiện cam kết của họ trong việc bảo vệ môi trường. Ví dụ cho loại thị trường này là Chương trình Gold Standard và sàn giao dịch Climate Action Reserve (CAR) ở Bắc Mỹ.
>>>Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép môi trường năm 2023
Vai trò của tín chỉ carbon trong giảm phát thải khí nhà kính
Tín chỉ carbon đóng vai trò không thể phủ nhận trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Được xem như một công cụ quan trọng, tín chỉ carbon không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp kiểm soát và giảm phát thải, mà còn mở ra cơ hội tài chính cho các dự án năng lượng sạch. Điều này giúp thúc đẩy sự chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn và bền vững hơn.
Hơn nữa, tín chỉ carbon cũng tạo ra một nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo và sạch. Các doanh nghiệp có thể bán tín chỉ dư thừa từ việc giảm phát thải, tạo ra nguồn thu nhập có thể tái đầu tư vào các dự án năng lượng sạch và công nghệ xanh. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn tạo ra một chuỗi phản ứng tích cực, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Hình 3: Các nguồn năng lượng tái tạo
Ngoài ra, tín chỉ carbon còn góp phần vào việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính. Việc tạo ra một thị trường carbon toàn cầu mở ra cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến và nguồn vốn đầu tư từ các đối tác quốc tế. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong nỗ lực chung bảo vệ môi trường toàn cầu.
Phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có tiềm năng đáng kể trong việc cung cấp tín chỉ carbon, với triển vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu toàn cầu dự kiến tăng gần 100 lần vào năm 2050.
Cả ngành nông nghiệp của Việt Nam, bao gồm cả chăn nuôi, trồng trọt và trồng rừng, đều có khả năng chuyển đổi sang các phương pháp sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Điều này có thể được đạt được thông qua các giải pháp như canh tác bền vững, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp hữu cơ.
Vào ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có các quy định cụ thể về lộ trình phát triển và thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.
Theo đó, trong giai đoạn đến hết năm 2027, sẽ tiến hành xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, cũng như xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Trong giai đoạn từ năm 2028, sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, đồng thời quy định các hoạt động kết nối và trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và toàn cầu.
Để thực hiện chiến lược này, tại Hội nghị COP 26, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Emergent đã ký Ý định thư thiết lập hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh giảm phát thải và tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).
Hình 4: Lễ ra mắt thị trường giao dịch tín chỉ Carbon đầu tiên tại Việt Nam
Trong năm 2023, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới. Với giá bán là 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).
Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam, đã triển khai tại 53 tỉnh, đã xây dựng 181.683 công trình khí sinh học, mang lại lợi ích cho 1 triệu người dân tại các khu vực nông thôn. Chương trình này đã được tổ chức quốc tế đánh giá cao về việc giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua Chương trình Khí sinh học, Việt Nam đã bán 3.072.265 đơn vị tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD.
Tóm lại, tín chỉ carbon là một công cụ quan trọng giúp giảm lượng khí thải carbon và giải quyết biến đổi khí hậu. Bằng cách tạo ra một hệ thống giá cả cho carbon, chúng ta có thể tạo ra động lực cho các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ đầu tư vào các công nghệ xanh hơn và giảm lượng khí thải nhà kính.
CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG ENVICO
Địa chỉ: Lầu 3, Indochina Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. ĐaKao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0909 79 44 45 (Mr.Huy)
Điện thoại: (028) 66 797 205
E-mail: admin@envico.vn
Website: Congnghemoitruong.net