Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể cho GDP và tạo ra việc làm. Tuy nhiên, du lịch ảnh hưởng đến môi trường theo nhiều cách, có mặt tích cực như bảo tồn thiên nhiên, nâng cấp cơ sở hạ tầng… và cả mặt tiêu cực là ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, tăng lượng rác thải… Nếu không được quy hoạch, định hướng phát triển bền vững, môi trường có thể hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ “ngành công nghiệp không khói “này.
Tổng quan ngành du lịch
Ngành du lịch đóng góp một phần quan trọng vào nền kinh tế toàn cầu, mang lại sự đa dạng với việc tạo ra GDP lớn, cung cấp hàng triệu việc làm và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội. Trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, ngành này đã phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng trung bình 4% mỗi năm.
Ngành du lịch toàn cầu không chỉ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm mà còn đóng vai trò quan trọng trong quảng bá thương mại và đầu tư giữa các quốc gia.
Ngoài ra, qua việc giới thiệu văn hóa và di sản, ngành này góp phần nâng cao sự hiểu biết và tôn trọng giữa các cộng đồng Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung. Đồng thời, thông qua sự tương tác giữa du khách và người địa phương, ngành du lịch góp phần vào sự hòa nhập, phát triển các mối quan hệ xã hội.
Đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên du lịch lại có tác động đáng kể đến môi trường. Cùng Envico tìm hiểu những ảnh hưởng của du lịch đến môi trường trong phần tiếp theo.
Hình 1: Du lịch đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế
Du lịch ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?
Ảnh hưởng tích cực
Đầu tiên, du lịch giúp nâng cao ý thức bảo tồn cảnh quan thiên nhiên thông qua việc phát triển các hình thức du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách.
Sự chú trọng vào việc bảo tồn cảnh quan tự nhiên và diện tích bảo tồn thiên nhiên tại các khu du lịch, cũng như giữ gìn môi trường sống và thúc đẩy bản sắc văn hóa dân tộc từ lâu trở thành mục ưu tiên trong các chính sách quy hoạch du lịch của chính quyền địa phương
Thứ hai, ngành du lịch đóng góp vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các địa phương. Sân bay, đường sá, hệ thống cấp thoát nước, và xử lý chất thải được đầu tư và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về đi lại và lưu trú của du khách.
Thứ ba, thông qua tăng cường hoạt động du lịch, người dân địa phương trở nên nhận thức cao hơn về bảo vệ môi trường và cảnh quan sinh thái.
Việc giao tiếp và trao đổi với du khách giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của chính họ và khách du lịch, đồng thời khuyến khích cộng đồng tham gia vào các sáng kiến làm sạch môi trường, kiểm soát chất lượng không khí, nước, đất… một cách hiệu quả. Đây là điều tích cực mà du lịch đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
>>>Xem thêm: Năng lượng thủy điện là gì? Nguồn gốc và ứng dụng
Hình 2: Du lịch ảnh hưởng đến môi trường cả tích cực và tiêu cực
Tác động tiêu cực
Bên cạnh những tác động tích cực, du lịch cũng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường rất nhiều
- Tiêu thụ tài nguyên nước: Du lịch là một ngành công nghiệp tiêu thụ nước nhiều, thậm chí tiêu hao nguồn nước sinh hoạt hơn cả nhu cầu nước sinh hoạt của địa phương. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân địa phương, đặc biệt là trong mùa khô hạn.
- Ô nhiễm nước: Nước thải từ các hoạt động du lịch, như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… nếu không được xử lý đúng cách có thể gây ô nhiễm nguồn nước, làm suy giảm chất lượng nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các sinh vật sống dưới nước tại các địa điểm du lịch.
- Rác thải: Vứt rác thải bừa bãi là vấn đề phổ biến tại các khu du lịch. Rác thải có thể gây ô nhiễm môi trường, đất, nước, không khí gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cảnh quan và sức khỏe của con người.
- Ô nhiễm không khí: Các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy và tàu thuyền, là nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí tại các khu du lịch. Ô nhiễm không khí có thể gây hại cho sức khỏe con người, động vật và thực vật.
- Tiêu thụ năng lượng: Các khu du lịch thường tiêu thụ nhiều năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện. Tiêu thụ năng lượng quá mức có thể gây ra ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
- Ô nhiễm tiếng ồn: Tiếng ồn từ các phương tiện giao thông, các hoạt động vui chơi giải trí… có thể gây khó chịu cho người dân địa phương và du khách.
- Ảnh hưởng đến sinh thái: Phát triển du lịch thiếu kiểm soát có thể tác động đến môi trường tự nhiên, gây ra những thay đổi bất lợi cho hệ sinh thái. Ví dụ, việc xây dựng đường giao thông, khu cắm trại… có thể cản trở di chuyển, sinh sản của động vật hoang dã.
Hình 3: Sao biển chết khô la liệt do du khách đem lên bờ chụp hình “sống ảo”
Giải pháp nào cho vấn đề này ?
Để giảm thiểu các vấn đề do du lịch ảnh hưởng đến môi trường, chúng tôi đề xuất thực hiện những giải pháp sau:
- Quy hoạch phát triển du lịch bền vững: Đảm bảo rằng quá trình phát triển du lịch được quy hoạch một cách hài hòa, không làm ảnh hưởng quá mức đến môi trường. Điều này bao gồm việc xác định và bảo vệ những khu vực quan trọng về mặt sinh quyển và cảnh quan.
- Tăng cường đầu tư cho xử lý nước thải: Các doanh nghiệp du lịch phải đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải hiệu quả và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt trước khi thải ra môi trường. Điều này giúp giảm nguy cơ ô nhiễm và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
- Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của du khách: Cần thực hiện chiến dịch tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao ý thức của du khách về vấn đề bảo vệ môi trường. Du khách không xả rác bừa bãi, sử dụng các dịch vụ tiết kiệm tài nguyên, và tham gia vào các hoạt động bảo tồn môi trường.
Những biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một mô hình phát triển du lịch bền vững, đem lại lợi ích kéo dài cho cả cộng đồng và ngành du lịch.
Hình 4: Các tình nguyện viên tham gia dọn rác ở bãi biển
>>> Xem thêm: Thời trang nhanh và những tác động tiêu cực lên môi trường
Như vậy, vấn đề du lịch ảnh hưởng đến môi trường là điều con người cần lưu ý và quan tâm. Tác động của du lịch đến môi trường có cả tích cực và tiêu cực. Việc của chúng ta là khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực và phát huy những tác động tích cực. Từ đó, phát triển một ngành du lịch xanh – bền vững – thân thiện với môi trường.